Gan nhiễm mỡ là gì?
Gan nhiễm mỡ là tình trạng lượng mỡ trong gan quá nhiều gây ảnh hưởng đến chức năng gan. Ở người bình thường, lượng mỡ chỉ chiếm từ 2 – 4% trọng lượng của cả lá gan. Nhưng ở người có bệnh gan nhiễm mỡ, mỡ sẽ chiếm ít nhất từ 5-10% trọng lượng của gan. Gan nhiễm mỡ là bệnh lý lành tính ở giai đoạn mới mắc. Nhưng nếu người bệnh không điều trị sớm và đúng cách, gan nhiễm mỡ sẽ có thể biến chứng thành xơ gan thậm chí là ung thư gan, gây nguy hiểm đến tính mạng. Chúng ta có thể cải thiện tình trạng nhiễm mỡ của gan thông qua việc thay đổi các thói quen ăn uống và sinh hoạt hàng ngày. Mặt khác, bệnh gan nhiễm mỡ thường không xuất hiện các triệu chứng rõ nét và tổn thương do nó gây ra có thể hồi phục được.
Các cấp độ của gan nhiễm mỡ
Khi mới bắt đầu mắc bệnh, tình trạng gan nhiễm mỡ hầu như không ảnh hưởng tới sức khỏe vì vậy bệnh nhân thường không biết mình mắc bệnh để điều trị sớm. Tuy nhiên, mức độ nguy hiểm của bệnh gan nhiễm mỡ còn tùy thuộc vào mức độ nhiễm mỡ tại thời điểm phát hiện bệnh và các thức điều trị có đúng, kịp thời hay không.
Gan nhiễm mỡ kéo dài có thể dẫn đến xơ gan (tỷ lệ ~ 20%), suy gan. Gan nhiễm mỡ thường được chia thành 3 cấp độ dựa vào mức độ mắc bệnh và các biến chứng:
- Gan nhiễm mỡ cấp độ 1: tỷ lệ mỡ chiếm 5 – 10% trên tổng trọng lượng của gan, đây là giai đoạn đầu của bệnh vì vậy các dấu hiệu thường rất nhẹ và không gây nguy hiểm tới sức khỏe. Việc điều trị gan nhiễm mỡ ở độ 1 nên tập trung vào việc thay đổi chế độ ăn uống, tăng cường vận động và tuân thủ theo phương pháp điều trị của bác sĩ, dược sĩ.
- Gan nhiễm mỡ cấp độ 2: là giai đoạn thứ 2 của bệnh, khi tỉ lệ mỡ ở đã lên đến 10 – 25% trọng lượng của gan. Tại thời điểm này này, mỡ đã lan ra khắp các mô gan và cơ hoành, tuy chưa gây nguy hiểm nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh nhưng nếu không được xử trí kịp thời thì gan nhiễm mỡ cấp độ 2 sẽ tiếp tục tiến triển thành độ 3.
- Gan nhiễm mỡ cấp độ 3: là giai đoạn cuối của quá trình nhiễm mỡ ở gan và đây cũng là giai đoạn nguy hiểm nhất, rất khó điều trị và phục hồi, thậm chí có thể tử vong hoặc tăng các biến chứng về gan như xơ gan, ung thư gan.
Nguyên nhân của bệnh gan nhiễm mỡ
- Tăng cân không kiểm soát, béo phì
Thừa cân béo phì là một yếu tố nguy cơ dẫn đến hiện tượng gan nhiễm mỡ. Nếu cơ thể thường xuyên cung cấp lượng chất béo vượt ngưỡng cơ thể có thể hấp thu thì sẽ có hiện tượng tích tụ, không chuyển hóa hết, dân tới nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ. Hơn nữa, lượng calo quá cao khiến cơ thể không chuyển hóa hết thành năng lượng để sử dụng mà tích trữ dưới dạng triglyceride.
- Nghiện rượu hoặc thường xuyên uống rượu
Đối với người nghiện rượu, Ethanol trong rượu gây tăng NADH tại tế bào gan, kích thích tổng hợp chất béo, gây tăng tổng hợp trygliceride tại gan. Nghiện rượu là nguyên nhân hay gặp nhất ở đa số bệnh nhân gan nhiễm mỡ.
- Đái tháo đường
Ở bệnh nhân đái tháo đường, acid béo tự do trong máu sẽ tăng điều động trường hợp bệnh nhân hạ đường huyết. Tăng sử dụng acid béo tự do từ mô mỡ vào máu, gan chuyển hóa acid béo tự do thành triglyceride.
- Chế độ ăn giàu cholesterol
Cholesterol cao, nguy cơ về bệnh tim mạch và mỡ máu khá lớn.
Gan nhiễm mỡ có biểu hiện gì?
Khi bị gan nhiễm mỡ, hầu như bệnh nhân sẽ không phát hiện ra mình bị bệnh, vì nó không có triệu chứng thực thể điển hình. Chỉ có thể tình cờ phát hiện ra sau khi vô tình đi khám, xét nghiệm máu.
Sau đây là một số dấu chứng cần lưu ý:
- Nước tiểu vàng, sẫm màu, phân trắng
- Bụng to, gan to, đau bụng
- Buồn nôn, nôn
- Vàng da
- Ngứa ngáy, mày đay, dị ứng, mệt mỏi
Chức năng gan suy giảm gây ảnh hưởng đến việc thải độc tố trong cơ thể, dẫn đến hiện tượng mẩn ngứa mày đay. Đồng thời, việc này sẽ khiến cơ thể mệt mỏi hơn, do gan loại bỏ chất độc khỏi máu không tốt.
Hậu quả của gan nhiễm mỡ
Gan nhiễm mỡ được coi là một tổn thương lành tính tại gan, cho nên trong các trường hợp mức độ mỡ trong gan thấp (giai đoạn 1) thì chưa ảnh hưởng tới cơ thể. Tuy nhiên, nếu như nó ở giai đoạn 2 bắt đầu có những ảnh hưởng tới các vùng lân cận, đặc biệt nếu ở giai đoạn 3 khi lượng mỡ lớn hơn 30% thì sẽ gây ra những hậu quả không tốt tới gan.
Một số tác hại gan nhiễm mỡ gồm:
- Gây ra một số biến chứng: Một trong những tác hại gan nhiễm mỡ rất nguy hiểm chính là khả năng gây ra các biến chứng bất thường liên quan đến gan như xơ gan, suy gan cấp, xuất huyết tiêu hóa, rối loạn chức năng đông máu…nặng hơn nữa là ung thư gan. Một số nghiên cứu chỉ ra có tới 70% ca bệnh ung thư gan được hình thành từ tình trạng xơ gan.
- Gây giảm chức năng hoạt động của gan: Khi lượng mỡ thừa xuất hiện tại mô gan nhiều thì các tế bào gan thường xuyên bị đè ép. Từ đó gây ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng chuyển hóa và tích trữ tại gan. Nếu không được giải quyết, dẫn tới tình trạng này kéo dài khiến chức năng gan bị suy giảm.
- Ảnh hưởng tới các cơ quan khác trong cơ thể: Gan nhiễm mỡ kéo dài sẽ gây tình trạng mệt mỏi, chán ăn. Từ đó làm cho khiến khả năng miễn dịch của cơ thể giảm sút dễ mắc bệnh lý nhiễm trùng.
- Ảnh hưởng tới chức năng tim mạch: Tình trạng gan nhiễm mỡ nếu kéo dài liên tục, sẽ gây xơ vữa động mạch, bệnh lý tim mạch. Khi hình thành mảng xơ vữa có nguy cơ gây ra suy giảm trí nhớ, đau đầu, mất ngủ…
Các xét nghiệm được dùng để phát hiện gan nhiễm mỡ
Xét nghiệm máu
Thông qua các chỉ số xét nghiệm máu như nồng độ aminotransferase ALT, aspartate aminotransferase AST có thể chẩn đoán ban đầu về sức khỏe gan. Khi các chỉ số này vượt ngưỡng cho phép, đặc biệt ALT và AST tăng gấp 2-3 lần so với mức bình thường, như vậy có thể xác định bị gan nhiễm mỡ.
Chỉ số | Nồng độ bình thường (UI/L) |
ALT | 20-40 |
AST | 20-40 |
ALP | 35-115 |
GGT | 3-60 |
Chẩn đoán hình ảnh gan nhiễm mỡ
Bằng kỹ thuật siêu âm, chụp CT scan, chụp cộng hưởng từ MRI có thể quan sát được sự tồn tại của chất béo trong gan và biết mức độ gan nhiễm mỡ.
Ví dụ để xác định gan nhiễm mỡ cấp độ nào đối với siêu âm chỉ cần thông qua hình ảnh hiển thị độ tăng âm qua cơ hoành và đường bờ các tĩnh mạch trong lá gan.
Sinh thiết gan
Trường hợp này thường áp dụng cho người nghi mắc viêm gan nhiễm mỡ không do rượu.
Phương pháp điều trị gan nhiễm mỡ
Khi bị gan nhiễm mỡ phải làm sao?
Không có thuốc hay biện pháp nào làm hết ngay tình trạng gan nhiễm mỡ, nhưng nó có thể cải thiện dần dần nếu thay đổi lối sống kịp thời kết hợp với điều trị các bệnh lý đi kèm
Giảm cân: giảm cân sẽ làm giảm sự tổn thương gan, cải thiện sự đề kháng insulin, là điều bắt buộc phải thực hiện.
Gan nhiễm mỡ kèm tiểu đường có thể sử dụng một số thuốc theo chỉ định của bác sĩ để cải thiện được tình trạng viêm và xơ hóa ở bệnh nhân gan nhiễm mỡ
Omega 3: một số nghiên cứu cho thấy acid béo omega 3 có thể cải thiện được tình trạng viêm gan nhiễm mỡ, tuy nhiên vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn nữa
Kiểm soát các rối loạn lipid máu: nên sử dụng các statin mà không chuyển hóa kéo dài qua gan như rosuvastatin hay pravastatin.